DẦU NHIỄM PCB - CHẤT THẢI CỰC KÌ NGUY HIỂM
Tháng 7 năm 2018 vừa qua, INSEE Ecocycle đã xử lý thành công hơn 45 tấn chất thải cực độc – dầu nhiễm PCB bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng. Đây là hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam”, được Tổng cục Môi trường cấp phép nhằm tiêu hủy dầu nhiễm PCB triệt để, an toàn cho môi trường theo công ước Stockholm tại Việt Nam.
PCB là viết tắt của Plychlorinated Biphenyls, 1 trong 22 nhóm chất hữu cơ khó phân hủy (POP) được quy định trong công ước Stockholm sẽ được dừng sử dụng vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028 tại Việt Nam.
PCB từng được tôn vinh trong quá khứ như một loại phụ gia lý tưởng của chất cách điện, cách nhiệt trong các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện cho đến khi được phát hiện là nguyên nhân gây ra nhiều thảm họa môi trường tại Nhật, Mỹ, và nhiều nước khác. Độ độc của một số đồng phẳng của PCB chỉ kém 10 lần loại dioxin có tính độc cao nhất. Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung Thư (IARC) đã xếp PCB vào nhóm 2A, là nhóm hóa chất độc hại có khả năng gây ung thư.
Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” thuộc khuôn khổ các hoạt động thực hiên công ước Stockholm tại Việt Nam được chính phủ Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới triển khai, sử dụng nguồn tài trợ từ Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).
Dự án giúp xây dựng năng lực quốc gia của Việt Nam nhằm quản lý PCB và lưu trữ an toàn một lượng lớn PCB tại các tỉnh trình diễn nhằm tiêu hủy trong tương lai.
Lò nung xi măng của INSEE Việt Nam cung cấp một môi trường nhiệt độ cao lên đến 2.000°C và thời gian lưu cháy dài, cho phép tiêu hủy hoàn toàn các hợp chất hydrocarbon phức tạp, không phát sinh chất thải thứ cấp đồng thời còn được trang bị hệ thống giám sát phát thải vận hành liên tục trong quá trình đồng xử lý. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã thành công trong việc xử lý PCB bằng công nghệ này như Nauy, Thụy Điển từ những năm 1980. INSEE Ecocycle cũng đã có kinh nghiệm xử lý thành công PCB tại Srilanka.
Quy trình thu gom, xử lý được thực hiện nghiêm ngặt đúng theo quy định pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các bước đều được khảo sát, nghiên cứu, đánh giá rủi ro, chuẩn bị kế hoạch kĩ càng và phương án ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho môi trường cũng như người thực hiện công việc. Khí phát thải sẽ được kiểm soát bởi Phòng điều khiển trung tâm bằng hệ thống giám sát khí thải liên lục ghi nhận mức độ phát thải thực tế của các loại khí VOC, NH3, O2, HCl, CO, NO, NO2, SO2, H2O luôn ở mức cho phép, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Quy trình này sẽ được giám sát bởi đơn vị giám sát độc lập – Viện Tài Nguyên và Môi Trường để xác nhận rằng việc tiêu huỷ đã được thực hiện một cách an toàn. Quá trình tiêu huỷ sẽ được chứng kiến bởi các cá nhân và tổ chức có liên quan: Nhà máy Nước Thủ Đức, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, Sở Tài nguyên Môi trường. Bằng dự án này, INSEE Ecocycle mong muốn góp phần xử lý triệt để, an toàn một trong những loại chất thải nguy hại đặc biệt được lưu tâm bởi chính phủ Việt Nam và thế giới, bảo vệ môi trường xanh bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo tồn nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai.
Đọc thêm thông tin:
-
VTV9 – 24h: https://vtv.vn/video/toan-canh-24h-20-7-2018-312670.htm
-
SCTV8 – Thời sự http://vitv.vn/tin-video/20-07-2018/ban-tin-hop-tin-viet-nam-11h-phat-song-1100-20-07-2018/206804
-
Báo Tài Nguyên Môi Trường https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/dong-xu-ly-loi-thoat-cho-chat-thai-doc-hai-kho-phan-huy-pcb-1256244.html
-
Báo Cộng Đồng Plus http://congdongplus.com/dong-xu-ly-chat-thai-nguy-hai-trong-san-xuat-xi-mang-loi-ra-cho-xu-ly-chat-thai-cuc-doc-tai-viet-nam.html
Thông tin của dự án:
Năm 2012, INSEE Ecocycle Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi Trường cấp phép xử lý dầu nhiễm PCB bằng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng và hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được cấp phép xử lý loại chất thải này. INSEE Ecocycle đã chứng minh được khả năng xử lý PCB một cách triệt để, tuân thủ hoàn toàn các quy định về an toàn và môi trường, về phát thải khí (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng QCVN 41:2011/BTNMT) và các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan.
Trong năm 2014, INSEE Ecocycle Việt Nam đã hoàn tất việc thu gom và xử lý 7 tấn dầu nhiễm PCB của Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long tại cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh. Công tác thu gom và xử lý diễn ra dưới sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng, đại diện công ty Cửu Long cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí.
DDT - HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Theo Cục Quản lý Chất thải Và Cải thiện Môi trường, cả nước Việt Nam hiện đang có khoảng 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Trong số đó, các loại hóa chất khó phân hủy gây nguy hại cho môi trường chiếm tỉ lệ không nhỏ, được tích trữ trong các kho chứa không đảm bảo tiêu chuẩn, theo thời gian, các kho chứa này bắt đầu xuống cấp, hóa chất rò rỉ xuống sàn kho và theo mạch nước ngầm làm ô nhiễm khu vực dân sinh trầm trọng.
Trước hiện trạng này, Bộ TN&MT kết hợp với UNDP tổ chức đấu thầu tìm đơn vị có chức năng xây dựng kế hoạch, xử lý kho đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trong phạm vi hai tỉnh trọng yếu nhất là Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là một gói thầu quốc tế công khai với sự tham gia của 14 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10 doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực xử lý chất thải từ Đức, Pháp, Mỹ…
Ngày 30/11/2015, INSEE Ecocycle Việt Nam đã hoàn tất gói thầu quốc tế xử lý 870.963 tấn đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam” do Ban Quản lý dự án POP-Pesticide Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam triển khai và kiểm soát.
870.963 tấn đất bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại các huyện từ Vực Rồng, Thạch Lưu, Hòn Trơ, Chiến Thắng, Tân Phú và Nghĩa Đàn được thu gom, sau đó vận chuyển về cở sở của INSEE Ecocycle tại Hòn Chông để xử lý bằng công nghệ Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng. Hoạt động này được diễn ra dưới sự giám sát trực tiếp của các chuyên gia của Bộ TN&MT và UNDP.
Công nghệ Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng là một trong những phương pháp quản lý chất thải an toàn thân thiện với môi trường do những ưu điểm: nhiệt độ cực kỳ cao và ổn định – lên đến 2.000°C cho phép tiêu hủy chất thải triệt để; không còn thành phần phải chôn lấp sau quá trình xử lý, loại trừ các rủi ro ảnh hưởng môi trường so với việc phân hủy chất thải hay chôn lấp; môi trường kiềm cao sẽ hấp thụ các khí axít phát sinh từ quá trình xử lý, theo đó, những ảnh hưởng tới môi trường từ các khí axít này sẽ được loại bỏ; Hệ thống kiểm soát phát thải liên tục 24/24 tại tất cả các cơ sở của INSEE Ecocycle giúp đảm bảo phát thải an toàn.
Xuyên suốt quá trình xử lý, những chỉ số an toàn đều được đo lường và báo cáo cụ thể, nghiêm ngặt. Đặc biệt, INSEE Ecocycle Việt Nam đã mời đơn vị đánh giá tác động môi trường độc lập Pacific Environment của Úc để đo các chỉ số phát thải trong quá trình xử lý. Kết quả cho thấy việc xử lý không ảnh hưởng đến phát thải, thực tế, tất cả chỉ số phát thải đều thấp hơn rất nhiều so với giới hạn yêu cầu, cụ thể, nồng độ khí thải HCl, CO, SO2, NOx đều nằm trong mức quy định, hàm lượng bụi thải ra rất thấp, hoàn toàn không đáng kể so với hạn mức tiêu chuẩn.
Xử lý hoàn toàn lượng thuốc BVTV tồn lưu bên trên còn đóng góp vào chủ trương “xử lý dứt điểm các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đến năm 2025” của chính phủ Việt Nam. Người được hưởng lợi đầu tiên chính là người dân sống trong khu vực ô nhiễm nay đã được cải tạo và phục hồi.
HCFC – CHẤT GÂY THỦNG TẦNG OZONE
HCFC là gì?
HCFC (hydrochlorofluorobon) là loại môi chất lạnh có gốc clo làm giảm suy giảm tầng ozon – lá chắn bảo vệ trái đất chống lại các tia cực tím có hại từ mặt trời.
HCFC phổ biến tại Việt Nam là R-22 được sử dụng nhiều trong các máy điều hòa không khí thế hệ cũ.
Hoạt động thu gom và xử lý khí thải HCFCs nằm trong dự án xây dựng bệnh viện xanh do tập đoàn Mitsubishi tài trợ, thuộc khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ Việt – Nhật.
Dự kiến tới năm 2030, Việt Nam sẽ xử lý 97,5% khí thải gây thủng tầng ozone trong các máy điều hòa, tủ lạnh, thiết bị làm lạnh cũ.
Dưới sự giám sát và hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Trung tâm Phát triển Xanh cùng các chuyên gia Nhật Bản, hơn 123kg khí thải HCFCs được đưa vào lò nung xi măng ở nhiệt độ trên 2.000 độ C, thời gian cháy dài, cùng hệ thống nạp nhiên liệu kín giúp tiêu hủy hoàn toàn. INSEE Ecocycle Việt Nam tự hào là đơn vị tiên phong xử lý khí thải HCFCs bằng công nghệ xanh đồng xử lý tại Việt Nam.
Lượng HCFC này đã được lấy ra từ các thiết bị điều hòa không khí của 2 bệnh viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Nhân dân 115. Gần 20 cơ quan báo chí uy tín trên cả nước đồng loạt đưa tin về sự kiện này, tiêu biểu:
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV): http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/lan-dau-tien-viet-nam-xu-ly-duoc-chat-lam-thung-tang-ozon- 20161121184350916.htm
Báo Doanh nghiệp Hội nhập: http://doanhnghiephoinhap.vn/holcim-viet-nam-dong-xu-ly-thanh-cong-chat-thai-hcfc.html
Trang thông tin điện tử Bộ Công thương: http://www.moit.gov.vn/en/pages/Tinchuyende.aspx?Machuyende=TLCV&IDNews=8485
Quá trình xử lý HCFC tại INSEE Ecocycle Việt Nam
INSEE Ecocycle Việt Nam lên kế hoạch chi tiết cho tất cả các bước thực hiện từ phân tích, thử nghiệm, vận chuyển đến đồng xử lý trong lò nung xi măng. Các nhân viên thao tác với chất thải được đào tạo và trang bị bảo hộ cần thiết giúp mọi thao tác với chất thải đều đảm bảo an toàn. Các đánh giá rủi ro đều được truyền đạt đến công nhân và nhân viên một cách rõ ràng và kịp thời. Các biện pháp đo lường và phòng chống tràn đổ hay cháy nổ luôn sẵn sàng.
Thu gom và vận chuyển
Các bình chứa HCFC khi thu gom được đánh giá ngoại quan, được quấn quanh bằng các mút xốp để tránh va chạm và chứa trong thùng chứa thứ cấp, các thùng chứa thứ cấp cũng được cố định bằng các dây đai. Bên cạnh đó hệ thống định vị từ xa GPS giúp theo dõi xuyên suốt từ lúc thu gom đến khi được vận chuyển an toàn đến nhà máy và thông báo cho khách hàng.
Xử lý HCFC triệt để, an toàn bằng công nghệ xanh Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng
Lò nung xi măng với ưu điểm nhiệt độ cao lên đến 2.000°C, thời gian lưu cháy dài, môi trường oxi hóa cùng với hệ thống nạp liệu kín, được theo dõi liên tục cho phép tiêu hủy hoàn toàn các hợp chất HCFC. Đồng xử lý được nhìn nhận là một giải pháp khả thi, hiệu quả và thân thiện với môi trường để xử lý chất thải trên thế giới, được các tổ chức quốc tế như Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển Bền vững, Công ước Basel, Hiệp hội Xi măng châu Âu công nhận và khuyến khích áp dụng.
Khí thải được kiểm soát bởi hệ thống kiểm soát phát thải hoạt động liên tục 24/7 để đảm bảo việc xử lý chất thải nói chung, HCFC nói riêng không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến môi trường và luôn đảm bảo tuân thủ yêu cầu pháp luật về môi trường của Việt Nam và các tiêu chuẩn cao nhất.
Có thể nói, sự kiện đồng xử lý thành công khí thải HCFCs là bước ngoặt lớn trong việc bảo vệ tầng Ozone tại Việt Nam, góp phần tăng nhận thức của người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp cùng chung tay chống lại biến đổi khí hậu.